Giáo án môn Kể chuyện lớp 2

 08:16 26/11/2018

Thứ 6 ngày 12 tháng 10 năm 2018 Môn: Kể chuyện – Lớp 2A Bài CHIẾC BÚT MỰC Gíao viên: Lê Thị Cẩm Linh I. MỤC TIÊU: - Dựa theo tranh, kể lại được từng đoạn câu “Chiếc bút mực” (BT1) - HS khá giỏi bước đầu kể được toàn bộ câu chuyện (BT2) II ĐỒ DÙNG: Máy chiếu Các hình ảnh minh họa. III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC A, Trò chơi khởi động : Cả lớp cùng hát bài “Em yêu trường em » B. Bµi míi: HĐ1: - GV: Các con vừa hát xong bài hát “Em yêu trường em. Vậy bài hát đã gợi cho con nhớ đến câu chuyện nào mà các con đã được học? (Câu chuyện “ Chiếc bút mực” ? Câu chuyện “Chiếc bút mực”có mấy nhân vật và xảy ra ở đâu? ( Câu chuyện có ba nhân vật đó là cô giáo, bạn Mai và bạn Lan, câu chuyện xảy ra trong lớp học) - GV: Bây giờ cô cùng các con kể lại câu chuyện “ Chiếc bút mực” nhé. (GV trình diễn mục bài lên màn hình) - GV yêu cầu HS mở SGK. ? Bài 1 yêu cầu gì? (Dựa theo tranh, kể lại từng đoạn câu chuyện “Chiếc bút mực” (3 em nhắc lại) - GV trình diễn yêu câu và 4 bức tranh lên màn hình. ? Các con thấy bức tranh 1vẽ gì và minh họa cho nội dung của đoạn nào? (Đoạn 2) ? Con thấy gì trong bức tranh 2 và bức tranh 3? ? Vậy nội dung đoạn 3 được minh họa ở bức tranh nào? (Tranh 2 và tranh 3) - Còn tranh 4 vẽ gì và minh họa cho nội dung đoạn nào? (Đoạn 4) - Bây giờ cô sẽ chia mỗi nhóm 4 bạn các con hãy dựa vào tranh để kể lại từng đoạn của câu chuyện trong thời gian 5 phút. - HS HĐ GV theo dõi. - LP (Huyền Anh) lên điều hành các nhóm thi kể - GV: Trình diễn tranh. (Cả 4 tranh) - Cả lớp theo dõi, nhận xét. GV kết luận. * Ở HĐ1các con đã dựa vào tranh kể lại được từng đoạn câu chuyện rồi. Bây giờ ở HĐ2các con hãy kể lại toàn bộ câu chuyện. (GV trình diễn hình ảnh lên màn hình) HĐ2: ? Vậy để kể chuyện hay chúng ta cần lưu ý điều gì? (Để kể chuyện hay chúng ta cần phải thuộc câu chuyện, chọn giọng kể phù hợp với từng nhân vật, kết hợp với điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt, nét mặt để câu chuyện thêm hấp dẫn hơn.) - GV giọng của người dẫn chuyện chúng ta kể với giọng như thế nào? ( Người dẫn chuyện: giọng thong thả, chậm rải.) ? Còn cô giáo các con kể với giọng như thế nào? (Giọng dịu dàng, thân mật.) ? Bạn Lan kể với giọng thế nào? (giọng buồn) ? Còn giọng của Mai thế nào? (Mai giọng dứt khoát nhưng có chút hối tiếc) - Các con hãy HĐ trong nhóm 2 với thời gian 3 phút. GV theo dõi. - GV gọi một số 2-3 em lên kể toàn bộ câu chuyện trước lớp. - GV: Trình diễn Slai: Thi kể chuyện - Nhận xét bạn kể (giọng điệu, cử chỉ, nét mặt, ánh mắt đã phù hợp với từng nhân vật chưa?) (hai HS nhận xét) - Như vậy là các con đã kể lại được toàn bộ câu chuyện khá tốt rồi. Bây giờ bạn nào xung phong lên phân vai dựng lại câu chuyện nào? - GV cho 1-2 tốp HS lên phân vai dựng lại câu chuyện. - Cả lớp theo dõi, nhận xét. GV kết luận ? Trong câu chuyện này khuyên con điều gì? ? Con thích nhân vật nào nhât? Vì sao? - Các con rất giỏi. Trong câu chuyện này các con nên học tập bạn Mai, các con phải biết giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn. * Nhận xét giờ học: Cô thấy các con học tập rất sôi nổi, tích cực, cô xin tuyên dương cả lớp. Tiết học đến đây kết thúc cô xin chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo.

Bài viết: Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu

 10:10 23/11/2018

Hằng năm cứ đến ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng tôi lại bâng khuâng một cảm giác buồn buồn nhưng ngọt ngào, âu yếm khi nhớ về cô giáo cũ của mình – Người đã để lại trong tôi những kỉ niệm đáng nhớ khi tôi tròn 9 tuổi. Năm ấy, tôi học lớp 2A trường Tiểu học Nam Hà Thị xã Hà Tĩnh nay là Thành phố Hà Tĩnh. Tôi học muộn hơn các bạn cùng trang lứa chả là vì năm tôi chuẩn bị vào lớp Một thì chẳng may bị ngã gãy tay mà lại là tay phải nữa chứ. Hồi đó Bệnh viện Tỉnh đang ở Thạch Điền, Thạch Hà, nhiều lần bó bột ở Hà Tĩnh không thành công nên tôi được các bác sỹ cho chuyển ra Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Tại đây, tôi được các bác sỹ mổ đóng đinh để chốt xương, mãi đến hết tháng 10 tôi mới được về nhà nên đành lỡ chuyến đò lớp Một. Hai năm sau, tôi lên lớp Hai nhưng người cứ bé tí, da trắng ợt, xanh xao, gia đình tôi rất lo lắng sợ tôi không đủ sức để học. Thế rồi, lớp tôi may mắn được cô giáo Thu làm chủ nhiệm. Tôi nhớ như in, sau ngày khai giảng cô bước vào lớp - Ôi hình ảnh cô giáo của tôi sao giống Chị Sứ đến lạ ? Bởi trước đó tôi có nghe anh trai đọc tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức có Chị Sứ với mái tóc dài mà hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù. Cô giáo Thu của tôi cũng có mái tóc dài đến kì lạ. Cô đứng trên bục giảng, nở nụ cười chào lớp mà sao đẹp đến thế ? Rồi ngày tháng tôi được gần bên cô, được cô dạy bảo mỗi ngày có lẽ là những tháng năm hạnh phúc, đẹp đẽ nhất. Tôi bé nhất lớp nên được cô giáo xếp ngồi bàn đầu. Khi ra sân tập thể dục hay sinh hoạt tập thể, tôi cũng được cô giáo xếp đứng đầu hàng. Có lẽ về thế mà tôi luôn luôn cố gắng nghiêm túc, thực hiện đúng các yêu cầu của thầy cô mà không dám quay sang, quay xuống bạn hoặc làm việc riêng. Ngày tháng cứ nhẹ nhàng trôi đi, dường như tôi cũng lớn hẳn, trưởng thành hơn bởi sự quan tâm, dìu dắt của cô. Tôi nhớ rất nhiều lần giờ ra chơi cô ngồi lại trên lớp với học trò, hỏi han hoàn cảnh gia đình và mơ ước sau này của từng bạn. Cô còn động viên tôi cố ăn nhiều vào cho nhanh lớn và tập thể dục đều đặn nhất là các động tác làm khỏe cơ tay. Trong lớp tôi chơi thân nhất với Giang – Hồ Thị Hương Giang. Bạn ấy rất nhanh nhẹn, thông minh, da ngăm đen nhưng trông rất duyên. Giang được cô giáo xếp ngồi cùng bạn với tôi nên tình bạn giữa chúng tôi ngày càng khăng khít. Thấm thoắt học kì I đã trôi qua, tôi vui mừng khi được cô giáo thông báo kết quả học tập - tôi xếp thứ Nhất. Thời bấy giờ cô giáo cộng điểm và xếp thứ tự theo điểm. Thầy cô, bạn bè ai cũng khen ngợi tôi và cô giáo Thu cử tôi làm lớp trưởng. Riêng Giang, bạn ấy nắm chặt tay tôi và nói: “ Lan, cậu giỏi quá! Tớ rất vui”. Về nhà tôi khoe với bố mẹ từ ngoài ngõ. Bố tôi vui lắm, ông viết thư báo tin với anh cả tôi đang học Đại học ở miền Nam. Tết năm đó, anh trai tôi được về nhà ăn Tết, anh tặng tôi chiếc bút máy màu đỏ có dòng chữ Trường Sơn, ruột bút bằng cao su mềm mềm bơm mực rất dễ. Tôi thích lắm, reo lên và chỉ chờ những ngày Tết nhanh hết để đến lớp khoe các bạn. Những ngày được nghỉ Tết tôi cặm cụi tập viết, những dòng chữ mực tím sao mà lạ mắt mà đẹp mê hồn đến thế ? Chữ của tôi cũng đẹp hẳn lên nhờ có chiếc bút. Mỗi đêm trước giờ đi ngủ tôi còn lấy bút ra ngắm nghía và có đêm tôi ôm bút ngủ say. Đến lớp, tôi khoe với Giang, bạn ấy thích lắm. Tôi cho Giang mượn bút viết. Chữ của Giang cũng dường như tròn trịa hẳn lên. Tôi bảo: “Từ nay tớ sẽ bơm đầy mực và hai đứa dùng chung nhé”. Giang vui lắm. Thế là những bài luyện chữ của hai đứa tôi đều được cô giáo khen. Tôi nâng niu, giữ gìn bút rất cẩn thận, tôi xin vải xẹo ở nhà may về may hẳn một cái túi bằng vải để đựng nó. Nhưng một hôm, giờ tập viết tôi tìm mãi không thấy bút đâu, hỏi Giang thì nó bảo không biết. Cái túi vải thì vẫn nằm im trong cặp. Tôi đỏ mặt, mắt rơm rớm quay sang Giang: “Cậu lấy chứ còn ai nữa”. Giang run lên: “Tớ không biết, tớ không lấy”. Tôi ức lắm, lên bàn cô giáo và nói: “Cô ơi, nhờ cô lục cặp bạn Giang, cháu mất bút rồi.” Cô nhẹ nhàng bảo tôi về chỗ, rồi cô hỏi cả lớp: “Có bạn nào thấy bút máy của bạn Lan ở đâu không?” “Không ạ !” nhiều bạn cùng đáp. Tôi òa khóc nức nở và giận cô giáo lắm: Sao cô không lục cặp bạn ấy? Sao cô không bênh mình vì mình là lớp trưởng cơ mà ? Sao cô không thương mình ? Những ngày sau đó, tôi buồn lắm, chả thiết tha gì phát biểu xây dựng bài, cũng chẳng nhắc nhở các bạn cố gắng học. Đến các thầy cô vào lớp dạy tôi cũng quên không hô cả lớp đứng dậy chào. Cô giáo Thu biết tâm trạng của tôi, cô hỏi tôi: “ Em đã tìm kĩ ở nhà chưa ?” Tôi gật đầu nhưng tôi sợ bố mẹ mắng nên không dám nói. Cô bào: “ Kì lĩnh lương tháng này, cô sẽ mua cho em cái bút khác”. Rồi cô cũng mua cho tôi một cây bút, sau buổi chào cờ đầu tuần, cô gọi tôi lên bàn cô và nói: “ Từ nay em dùng tạm chiếc bút này nhé, được không em?” Tôi gật đầu lí nhí cảm ơn cô. Sang tháng Hai trời bắt đầu ấm lên, mẹ tôi dọn dẹp giường chiếu và giặt chăn màn. Một buổi chiều, sau khi tan học, tôi vừa về đến nhà thì mẹ hỏi: “ Hôm nay con đi học mà quên bút máy ở nhà à?” Tôi giật mình thảng thốt: “ Mẹ biết mọi chuyện rồi ư ?” Thấy tôi lúng túng, mẹ nói tiếp: “ Không sao đâu, chắc tối qua đi ngủ con mang bút lên giường rồi nó bị rơi xuống góc giường phía sau, hôm nay mẹ đã tìm thấy rồi kìa.” Chao ôi, tôi không tin nổi mắt mình nữa : Chiếc bút máy màu đỏ có dòng chữ Trường Sơn.” Tôi ôm chầm lấy mẹ : “ Con cảm ơn mẹ nhiều ạ !” Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được, hình ảnh cô giáo Thu, gương mặt đỏ bừng của Giang, tất cả cứ như đang hiện rõ mồn một trước mắt tôi. Tôi muốn trời sáng thật mau để chạy ùa đến bên cô, đến bên Giang để nói lời xin lỗi. Sáng sớm hôm sau, tôi đã có mặt ở lớp, như một người có lỗi lớn muốn làm tất cả để tạ lỗi, tôi dọn dẹp lớp học, quét hành lang sạch sẽ, sắp xếp lại sách vở trên bàn của các bạn. Trống chưa báo hiệu giờ vào học nhưng cô giáo đã đến, tôi ôm lấy cô và khóc: “ Cô ơi, em xin lỗi cô, mẹ em đã tìm thấy chiếc bút của em rồi ạ.” Tôi tưởng nghe vậy cô sẽ mắng tôi vì tôi đổ thừa cho bạn Giang, vì tôi quá vội vàng nhưng cô đã nhẹ nhàng bảo tôi: “ Con ạ, trong mọi việc nếu mình chưa rõ thì đừng vội kết tội ai nhé.” Chao ôi, cô giáo của tôi – một người giáo viên sao mà cao thượng và vĩ đại đến thế. Cô đã cho tôi một bài học lớn - bài học làm người thấm thía vô cùng. Sau này, khi đã lớn hơn, nhận thức về đời được sâu sắc hơn tôi lại càng khâm phục cô hơn. Cô ơi, cô có biết chính con người cô, tâm hồn cô đã thổi bừng trong em ước mơ cháy bỏng lớn lên sẽ trở thành một giáo viên như cô. Ngàn lần em cảm ơn cô và chắc chắn rằng hình ảnh cô giáo – hình ảnh chị Sứ có mái tóc dài ngày nào mãi mãi là kí ức, là kỉ niệm ngọt ngào, sâu lắng trong trái tim em. Đã 36 năm trôi qua, bây giờ tôi đã trở thành một cô giáo Tiểu học, trong sâu thẳm trái tim mình tôi nguyện sẽ luôn cố gắng học tập, tu dưỡng để noi gương cô giáo của mình. Chỉ tiếc rằng cô đã đi thật xa, ở một thế giới khác. Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày Nhà giáo Việt Nam, hi vọng rằng câu chuyện em kể lại hôm nay sẽ như một nén tâm nhang kính dâng cô, mong cô ở nơi suối vàng thanh thản, nhẹ nhàng như chính cuộc đời của cô vậy. Hà Tĩnh, ngày 16 tháng 11 năm 2018 Người viết Lê Thị Phương Lan

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập174
  • Hôm nay1,033
  • Tháng hiện tại11,855
  • Tổng lượt truy cập580,096
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây