THAM LUẬN DẠY KỸ NĂNG SỐNG CHO HS THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG THAM QUAN DÃ NGOẠI, HỌC TẬP NGOÀI HIỆN TRƯỜNG

Thứ ba - 11/12/2018 22:19
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa các đồng chí chủ trì, cùng tất cả các đồng chí có mặt tại hội nghị hôm nay.
         Qua nghe báo cáo Tổng kết năm học 2017 – 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 của đồng chí HT và bản báo cáo ...........................bản thân tôi hoàn toàn nhất trí.  Được phép của hội nghị tôi xin có một vài ý kiến về nội dung “DẠY KỸ NĂNG SỐNG CHO HS THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG THAM QUAN DÃ NGOẠI, HỌC TẬP NGOÀI HIỆN TRƯỜNG.”
          Như chúng ta đã biết con người không chỉ có tri thức mà còn phải biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích và hành trang vào đời của thế hệ trẻ trong thời đại toàn cầu hóa không chỉ là kiến thức văn hóa, khoa học được trang bị trong nhà trường. Một con người sẽ khó thành công nếu khi rời ghế nhà trường hòa nhập vào cuộc sống xã hội đang thay đổi từng ngày lại tỏ ra lúng túng, thiếu tự tin, không làm chủ được bản thân.
          Học KNS chính là học những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống tự lập sau này, là học các kĩ năng cần thiết giúp con người sống, học tập và làm việc có hiệu quả hơn “ Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống.”
          Giáo dục KNS cho trẻ góp phần giúp trẻ bước đầu hình thành được những kĩ năng giúp con người tồn tại, phát triển và nó ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. KNS phải được giáo dục từ khi đứa trẻ được sinh ra. Tuy nhiên mỗi lứa tuổi, KNS sẽ được giáo dục bằng các hình thức và mức độ khác nhau. Việc giáo dục KNS đặc biệt quan trọng với bậc Tiểu học. Bởi vì lứa tuổi này đã hình thành những hành vi cá nhân, tính cách và nhân cách. Các kĩ năng được hình thành trong quá trình học KNS như: tự phục vụ, giao tiếp, thuyết trình, làm việc theo nhóm, khả năng lãnh đạo, tổ chức, thậm chí là giải quyết các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội, vấn đề môi trường, hỏa hoạn, và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống....có KNS sẽ giúp các em biết bảo vệ bản thân mình, tự tin, chủ động và biết cách xử lý các tình huống trong cuộc sống và quan trọng hơn là khơi gợi được trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, đồng thời phát huy sự nhanh nhạy, khéo léo, ngoài ra còn giúp các em sống hòa đồng, gắn bó hơn với bạn bè và những người xung quanh.
          Như cha ông ta đã nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” nên ngoài việc giáo dục KNS cho HSTH thông qua các môn học chính khóa hay thông qua công tác chủ nhiệm lớp thì việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tham quan dã ngoại, học tập ngoài hiện trường cần được quan tâm, chú trọng vì những bài học lí thuyết có thể các em không nhớ lâu song khi được thực hành hay khi có điều kiện áp dụng sẽ là bài học bổ ích ghi sâu vào trí nhớ trẻ. Chú trọng đẩy mạnh thực hành thông qua các buổi học ngoại khóa vừa giúp trẻ tiếp thu kiến thức, kỹ năng mà không bị áp lực bởi một yếu tố nào.
 Vậy để việc giáo dục KNS thông qua hoạt động tham quan dã ngoại, học tập ngoài hiện trường đạt kết quả cao thì bản thân tôi đã tìm hiểu đồng thời được trải nghiệm thực tế cùng với HS nên tôi xin đưa ra một số ý kiến cá nhân như sau:
          Thứ nhất đối với hoạt động tham quan dã ngoại:
- Điều đầu tiên Gv phải tìm hiểu sát sao tới từng HS, qua đó nắm bắt được những đặc điểm chung của HS và thấy được những kĩ năng nào HS còn thiếu, cần giáo viên hỗ trợ từ đó GV lựa chọn nội dung, địa điểm phù hợp với từng khối lớp.
-  Sau đó Gv phải dự kiến thời gian đi. Ví dụ: cho HS khối lớp 1, 2, 3 đi trải nghiệm nhổ củ cải, nhổ cà rốt ở Thạch Văn thì phải đi vào tháng ....đến tháng ....Hay đi trải nghiệm ở khu sinh thái Đồng Nôi như: cho các em trỉa lạc, tham quan các vườn hoa, xem Đà điểu hay trò chơi trượt cát thì phải đi vào tháng ....đến tháng....Trong một chuyến đi có thể kết hợp đi 2 địa điểm, ( một địa điểm vui chơi giải trí, một địa điểm liên quan đến kiến thức môn học VD: như môn lịch sử tránh sự nhàm chán cho HS ) chọn các địa điểm cùng trên một tuyến đường đi. Chẳng hạn: ................
- Sau khi dự kiến được thời gian, địa điểm phù hợp thì GV phải dự kiến được số lượng HS tham gia, rồi lên nội dung chương trình cụ thể, sớm trình BGH duyệt kế hoạch để chủ động trong các chuyến đi.
- Chia HS thành các nhóm nhỏ ( mỗi nhóm khoảng 5 em), cắt cử nhóm trưởng, nhóm phó luân phiên, rèn kĩ năng tự quản, tự phục vụ , kĩ năng điều hành, kĩ năng hợp tác, ... Gv có thể phối hợp với hội cha mẹ HS tham gia dã ngoại  với các cháu để cùng GV giáo dục các kĩ năng cho các em.
- Trước khi đi Gv nhắc nhở HS mang trang phục dã ngoại phù hợp như mặc quần áo gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai tránh HS nữ mặc váy hay đi dép lê sẽ gây khó khăn trong quá trình di chuyển cũng như trong quá trình các em tham gia trải nghiệm, nhắc nhở HS có thể chuẩn bị một số tư trang cá nhân cần thiết;  có ý thức giữ trật tự, tôn trọng, cởi mở, thân thiện với bạn bè và thầy cô.
- Nhắc nhở các em phải làm việc theo nhóm và theo sự hướng dẫn, quản lý của GV và PH, có ý thức chấp hành tốt an toàn giao thông, giữ gìn bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh.
- Sau mỗi địa điểm tham quan, trải nghiệm thì GV cho HS làm các bài tập trắc nghiệm đơn giản để giúp các em nói lên cảm nghĩ của mình về kiến thức, kĩ năng mình vừa được trang bị bằng lời hoặc bằng tranh vẽ.
Hàng năm, chúng tôi đã cho HS đi tham quan dã ngoại đặc biệt năm học vừa qua trường chúng tôi đã đưa chương trình Tiếng Anh vào giảng dạy cho HS khối 1, 2 mời 100% giáo viên người bản ngữ của Trung tâm anh ngữ Smart learn kết hợp với TT GD KNS Edufarm Tượng Sơn và đã áp dụng cách làm như vậy nên đã nhận được nhũng ý kiến phản hồi rất tốt từ phía PH.
Thứ hai đối với hoạt động học tập ngoài hiện trường cũng cách thực hiện tương tự như vậy nhưng Gv phải lựa chọn môn học, bài học phù hợp từ đó cũng dự kiên thời gian, địa điểm, lên kế hoạch cụ thể.
Mỗi hoạt động vui chơi của trẻ không đơn thuần chỉ là chơi, mà qua đó trẻ học tập được nhiều điều bổ ích. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa tham quan dã ngoại, học tập ngoài hiện trường là điều kiện tốt nhất giúp trẻ tích lũy và rèn KNS có hiệu quả, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ, vừa mang tính nhân văn, vừa giúp trẻ phát triển trở thành người công dân tốt phù hợp với quá trình phát triển của xã hội hiện nay.
Một số kiến nghị, đề xuất:
- Nên thay đổi các địa điểm khác nhau, có thể mở rộng sang các tỉnh bạn để tránh sự nhàm chán cho HS.
          - Tiếp tục phối hợp với các công ty du lịch có uy tín trên địa bàn, lựa chọn hướng dẫn viên có kiến thức, trách nhiệm, nhiệt tình, yêu trẻ để tham gia vào chuyến đi.
Trên đây là một số ý kiến của cá nhân tôi về việc giáo dục KNS cho HSTH thông qua hoạt động ngoại khóa, học tập tại hiện trường. Trong tham luận này cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót, tôi rất mong nhận được ý kiến góp ý của quý vị đại biểu, BGH, của bạn bè đồng nghiệp để bản thân tôi cũng như tất cả chúng ta thực hiện có hiệu quả  hơn trong các đợt tham quan dã ngoại sắp tới.
Cuối cùng tôi xin kính chúc quý vị đại biểu, các đồng chí lời chúc sức khỏe. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp./.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Khuyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Các tin khác

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập10
  • Hôm nay619
  • Tháng hiện tại7,736
  • Tổng lượt truy cập606,713
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây