Tiết Ôn tập là tiết học củng cố các kiến thức đã học vừa mở rộng, so sánh, đối chiếu với các kiến thức có liên quan. Bên cạnh đó góp phần bồi dưỡng một số kĩ năng nhất định cho học sinh. Với phân môn Địa lý, thông qua tiết ôn tập, học sinh hệ thống hóa được những đặc điểm chính về thiên nhiên, con người và hoạt động sản xuất cuả người dân theo vùng miền. Từ đó biết so sánh sự giống nhau , khác nhau của vùng miền mà mình đã được học. Song làm thế nào để học sinh hứng thú, chủ động để tương tác tốt với thầy cô và các bạn trong tiết học ôn tập khi mà tiết học này kiến thức các em đã được khám phá trong những tiết học trước. Đó là điều mà mỗi giáo viên luôn trăn trở lựa chọn những hình thức và phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học. Sau đây tôi xin chia sẻ các bước dạy tiết Ôn tập địa lý bài 23, lớp 4 mà tôi đã tổ chức cho học sinh dưới hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ Em yêu địa lý Việt Nam.
1.Khởi động: HS tham gia trò chơi Ô cửa bí mật; bông hoa may mắn; Ai nhanh, ai đúng.....
- Trò chơi này GV đưa các câu hỏi có liên quan đến vùng miền mà học đã được học để từ đó GV dẫn dắt sang hoạt động tiêp theo.
Ví dụ: Đây là tên một đồng bằng do sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp nên?
Đây là tên một đồng bằng lớn nhất nước ta?......
2.Trò chơi rung chuông vàng
-Trong phần này tôi đưa ra 10 câu hỏi có cả trắc nghiệm và tự luận để HS ôn tập lại các kiến thức về đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ .
- Các câu hỏi tôi sắp xếp theo thứ tự từng vùng miền để HS củng cố lại kiến thức đã học trong quá trình tham gia trò chơi. GV kết hợp cho HS lên chỉ trên bản đồ về vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng đồng bằng Nam Bộ, thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ. Từ đó HS so sánh được sự khác nhau về thiên nhiên của đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.
-HS cùng chia sẻ với các bạn địa điểm du lịch ở đồng bằng Bắc Bộ hoặc đồng bằng Nam Bộ mà các em đã được đến. Qua hoạt động này rèn cho các em kĩ năng giao tiếp, thuyết trình trước đám đông.
3.Du lịch qua màn ảnh nhỏ
GV sưu tầm những video giới thiệu về đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ để cho HS xem . Qua đó các em sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ ngay tại chính lớp học của mình.
Qua tiết học, tôi thấy HS hết sức hứng thú với hình thức, phương pháp dạy học đa dạng, phong phú, tiết học mang lại hiệu quả cao. Các bạn đồng nghiệp có thể tham khảo để dạy các tiết địa lý ôn tập nói chung. Sau đây là một số hình ảnh trong tiết ôn tập Địa lý bài 23:
Bài viết: Lê Thị Ngọc Lan